Chúc mừng 25 năm sinh nhật Linux và xem lại lịch sử phát triển

Chúc mừng 25 năm sinh nhật Linux và xem lại lịch sử phát triển
Linus Torvalds, không phải chụp vào năm 1991
Nhiều khả năng bạn đang đọc bài viết này từ một chiếc máy tính Windows hoặc Mac, tuy nhiên máy chủ web chứa Tinh tế lại đang chạy bằng Linux đấy. Không chỉ Tinh tế mà rất nhiều website và hệ thống trên thế giới cũng dùng Linux cho server của họ, từ những ứng dụng nhỏ nhỏ tạo ra cho vui đến các hệ thống điện toán siêu máy tính cũng sử dụng hệ điều hành với biểu tượng con chim cánh cụt. Linux đương nhiên có nhiều loại khác nhau, gọi là các distro, tuy nhiên về cơ bản ở phần nền của chúng thì vẫn giống nhau hết. Nhân dịp 25 năm Linux ra đời (25/8/1991 - 25/8/2016), mời các bạn xem lại lịch sử phát triển của OS này và cách mà nó đã thay đổi thế giới ra sao.

Trước khi Linux có một hệ điều hành tên UNIX, nó được làm ra bởi Ken Thompson và Dennis Ritchie từ tận năm 1969 khi họ đang làm việc cho phòng thí nghiệm Bell Labs thuộc AT&T. AT&T được yêu cầu cấp bản quyền sử dụng cho bất kì ai yêu cầu, vậy nên trong những năm 1980 nhiều dự án ra đời và được xây dựng dựa trên UNIX, cũng như cách mà iOS và macOS cũng vẫn đang dùng phần lõi UNIX để vận hành. Năm 1984, Bell Labs bắt đầu bán UNIX như là một sản phẩm độc quyền.

Song song đó, năm 1983, Richard Stallman thành lập dự án GNU Project với mục tiêu tạo ra một "hệ thống phần mềm tương thích với UNIX" được cấu thành từ những phần mềm hoàn toàn miễn phí. Công việc bắt đầu diễn ra cũng vào năm 1984. Một năm sau đó, Stallman thành lập Hiệp hội Phần mềm Miễn phí và viết Giấy phép sử dụng GNU vào năm 1989. Đến đầu những năm 1990, nhiều chương trình cần thiết cho một hệ điều hành đã hoàn tất.

1991

Năm 1991, khi đang theo học tại Đại học Helsinki, một anh chàng tên Linus Torvalds cảm thấy tò mò về hệ điều hành. Anh cũng cảm thấy không hài lòng về cách mà người ta cấp giấy phép cho MINIX, một OS tạo ra chủ yếu cho sinh viên nghịch nên chỉ dành cho mục đích giáo dục mà thôi. Chưa hết, trong một lần "nghịch dại", anh đã xóa nhầm phân vùng MINIX mà anh đã tạo. Thế là Torvalds bắt đầu tự tạo ra một kernel hệ điều hành của riêng mình.


Ngày 25/8/1991, Torvalds đăng tải thông báo của mình lên MINIX Newsgroup, có thể xem như một diễn đàn của người dùng MINIX. Lúc đó, anh chỉ mới 21 tuổi. Thông báo của anh như sau:

Sau đó, các server FTP trên toàn thế giới bắt đầu dậy sóng với các phiên bản của Freax, tên gọi của hệ điều hành này trước khi được đổi thành Linux (nghe cách mà Torvalds đọc chữ Linux ở đây). Càng lúc càng có nhiều người vào đóng góp cho việc phát triển và lập trình. Phiên bản 0.01 của Linux rất khác so với những gì chúng ta thấy ngày hôm nay. Thực ra cái tên Linux là do một người bạn của Torvalds đặt cho server FTP chứa Freax mà không hỏi ý anh, nhưng sau đó anh cũng chọn tên Linux luôn.

1992 đến 1994

Trong giai đoạn này, những công ty nổi tiếng nhất về Linux bắt đầu xuất hiện: Slackware, Red Hat và Debian. Đây là các công ty kiếm được tiền từ Linux bằng cách bán các dịch vụ đi kèm, chứ bản thân Linux vẫn miễn phí đúng như ý định ban đầu của Torvalds. Những công ty này tập hợp lại thành một liên minh Linux Foundation, họ đầu tư cho việc phát triển Linux nói chung, cũng như đóng góp phần cứng để các nhà phát triển có thể tạo ra driver hoặc góp tiền cho những ai đã cùng xây dựng nên Linux. Sau này, Dell, IBM, HP và nhiều công ty khác cũng bán server được cài sẵn Linux.

Trong giai đoạn này, kerner Linux cũng được cập nhật lên bản 0.95. Đây là bản đầu tiên có thể chạy X Window System - một bộ phần mềm cho phép Linux hoạt động với giao diện cửa sổ tương tự như Windows.

X-Window-System.png

Slackware có làm ra bản distro Linux của riêng mình, nó có nhân Linux 0.99, kết nối Internet và X Window System. Tuy nhiên, do nó có quá nhiều lỗi nên một người dùng tên Ian Murdock đã dựa vào đó để làm ra một distro khác gọi là The Debian Linux Release. Chữ "Debian" này được lấy từ tên của cô bạn gái Debra Lynn kết hợp với tên của chính Ian. Đúng là mấy anh chàng mọt máy tính luôn có những thứ rất đáng yêu.

Năm 1994, một bản Linux nổi tiếng khác ra đời, Software und System-Entwicklung, hay còn được biết đến nhiều hơn với tên S.U.S.E Linux. Tới năm 1994, anh chàng Marc Ewing tạo ra distro Red Hat Commercial Linux, trong đó Red Hat - có nghĩa là chiếc nón đỏ - được đặt theo màu của chiếc nón mà anh hay đội khi đi học Đại học.

14/3/1994, nhân Linux 1.0.0 chính thức ra mắt với 176.250 dòng code.

1995 đến 1999 

Đây là giai đoạn mà những bản distro Linux nổi tiếng bắt đầu bùng nổ. Jurix Linux là một trong số đó, bản distro này có một trình cài đặt có thể lập trình được, nó cũng hỗ trợ định dạng file system EXT2, thứ mà Linux vẫn còn dùng đến tận hôm nay. Các distro Linux của Red Hat cũng được ra mắt trong giai đoạn này với các tên mã như Caldera, Mandrake, TurboLinux, Yellow Dog, Red Flag. Song song đó, nhân Linux cũng được nâng cấp từ bản 1.2.0 lên 2.2. Riêng trong phiên bản 2.0 đã có đến 41 đợt cập nhật khác nhau.

Khi Linux bắt đầu trưởng thành với nhiều tính năng quan trọng, nhiều quản trị viên IT bắt đầu chọn dùng Linux cho các hệ thống máy chủ của họ. Ví dụ, bản 2.0 hỗ trợ giao thức chạy nhiều vi xử lý, hỗ trợ kiến trúc chip PowerPC cũng như thêm khả năng chỉ đọc cho định dạng tập tin NTFS.

Tux.png ​

Năm 1996 cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng khi Torvalds thông báo chọn hình tượng con chim cánh cụt làm biểu tượng cho Linux. Lý do mà ông chọn con vật này là khi đang đi nghỉ ở Úc, Torvalds bị một con chim cánh cụt cánh và nhiễm một loài vi khuẩn tên penguinitis. Theo lời của ông thì vi khuẩn này khiến bệnh nhân thức cả đêm mơ về chim cánh cụt và trở nên thích thú với chúng!!!! Còn con chim biểu tượng thì được đặt tên là Tux, viết tắt từ chữ (T)orvalds (U)ni(X).

Chưa hết, năm 1996, môi trường desktop KDE (Kool Desktop Environment) dành cho Linux ra đời và người tạo ra nó là Matthias Ettrich, sinh viên Đại học University of Tübingen. Anh đưa ra không chỉ một ứng dụng mà cả một môi trường desktop để các app chạy trong đó. Người dùng không còn phải dùng CDE hay X11 cũ nữa. Năm 1998, KDE 1.0 chính thức mở cửa cho mọi người, và bản distro đầu tiên dùng nó là Mandrake.

Trong khi đó, Gnome thì được tạo ra bởi Miguel de Icaza và Federico Mena, nó cũng là một môi trường desktop cho Linux luôn và được sử dụng đầu tiên trên Red Hat. Gnome nhanh chóng trở thành môi trường desktop được nhiều người dùng ưa thích vì nhanh, nhẹ và thân thiện với người dùng bình thường. Lúc này, Oracle và Sun cũng tuyên bố hỗ trợ Linux vì càng lúc càng có nhiều người hơn sử dụng OS này.

2000 đến 2005

Trong giai đoạn này người ta đề cập đến Live Linux, bản Linux có thể chạy ngay không cần cài đặt. Knoppix, bản distro Linux dựa trên Debian, là một trong những OS Linux đầu tiên có thể chạy lên ngay từ đĩa CD. Bạn có thể nhét nó vào bất kì chiếc máy tính nào vào một bản Linux đầy đủ sẽ xuất hiện, nó còn hỗ trợ nhiều phần cứng khác nhau và có thể truy cập vào gần như bất kì mạng nào được phép. Knoppix như một tấm gương để các distro khác noi theo.

Trong thời gian này, dự án Linux From Scratch (LFS) cũng được tạo ra. Cùng với một cuốn sách được Gerard Beekmans viết, LFS chỉ cho người dùng cách tự làm ra một bản Linux của riêng mình từ mã nguồn mở.

Linux_Foundation.jpg

Linux chính là biểu tượng của sự tự do, và nó cần phải được phát triển bởi các công ty nhưng cũng phải được bảo vệ bởi một nhóm nào đó nhằm giúp Linux vẫn còn đứng độc lập sau một thời gian dài. Thế là, vào năm 2000, Linux Foundation được thành lập để hỗ trợ cho công việc của Torvalds cũng như của cộng đồng lập trình viên. Linux Foundation cũng chịu trách nhiệm bảo vệ Linux và đảm bảo nó luôn là một sản phẩm mã nguồn mở cho tất cả mọi người.

Nhân Linux 2.4 được ra mắt vào tháng 4/2001 là một điểm nhấn khác. Bản này hỗ trợ USB, card PC, chuẩn Play and Play ISA, sau đó được thêm vào Bluetooth, RAID ổ cứng, định dạng file system EXT3. Bản 2.4.x cũng là kernel được hỗ trợ lâu dài nhất, đến tận năm 2011 mới chấm dứt.

Red Hat sau khi lên sàn chứng khoán quyết định sẽ kiếm nhiều tiền hơn từ Linux. Thế họ là tách việc phát triển của mình làm 2 nhánh: Red Hat Enterprise Linux 2.1 chạy nhân Linux 2.4.9 có tính ổn định cao và hỗ trợ lâu dài cho khách hàng doanh nghiệp, còn Fedora Core thì dành cho cộng đồng. Red Hat cũng mở hết mã nguồn của mình ra và tạo thành nền tảng để ra đời một loạt distro nổi tiếng khác như CentOS, Oracle Linux, CERN, Scientific Linux.

Và có lẽ bạn cũng đã nghe đến Ubuntu. Khi mà Linux đang dần đạt tới trạng thái ổn định nhất của mình kể từ khi ra đời, người ta bắt đầu so sánh nó với Windows. Linux vẫn bị cho là khó xài, chủ yếu nhắm tới doanh nghiệp và lập trình viên hơn là người dùng bình thường, thế là Ubuntu ra đời. Được phát triển dựa trên Debian, Ubuntu nhắm tới mục tiêu tạo ra một bản Linux desktop dễ dùng để những người ít kinh nghiệm với Linux cũng có thể xài được. 20/10/2004, bản Ubuntu 4.10 ra mắt, hiện thực hóa giấc mơ này.

2006 đến 2012

Chúng ta đã đến gần hơn với thế giới hiện đại. Các bản distro Linux mới vẫn xuất hiện ngày một nhiều, nhưng các tên tuổi lớn như Red Hat, Debian, Fedora thì vẫn còn đó. Bản Linux Mint mới nổi thì đi theo con đường của Ubuntu để tạo ra một thứ dễ dàng và liên tục lắng nghe người dùng để cải thiện nhanh chóng.

Ngày 23/9/2008, một hệ điều hành di động dựa trên Linux ra đời, đó chính là Android. Ngày nay, Android đang được sử dụng bởi hơn 80% người dùng smartphone trên thế giới mặc dù họ chẳng biết bên dưới nó chính là Linux. Có lẽ đây là distro Linux được nhiều người xài nhất từng được công bố. Android 1.0 xuất hiện trên chiếc điện thoại HTC Dream nhưng còn nhiều lỗi, và phải đến bản 1.5 Cupcake thì Android mới bắt đầu tỏa sáng.

HTC-Dream.jpg

Sau nhiều năm dừng ở bản 2.6.x, cuối cùng bản Linux 3.0 cũng được ra mắt vào năm 2011. Theo lời Torvalds, bản 3.0 này "CHẲNG CÓ GÌ MỚI. Không có gì cả!". Thực chất việc ra mắt bản 3.0 này là để các con số 2.6.x không leo lên quá cao mà thôi, vậy nên Torvalds mới quyết định tăng hẳn thành con số mới cho dễ gọi.

Lúc này, cùng với sự phổ biến của Internet, Linux bắt đầu bùng nổ trên mảng server. Nhiều máy tính hiệu năng cao cũng như siêu máy tính bắt đầu chạy Linux, mang hàng triệu website đến với người dùng mà không phải trả chi phí bản quyền đắt đỏ của Windows. Thậm chí, một số dịch vụ hosting còn cung cấp website miễn phí chạy trên máy chủ Linux cho người dùng nữa kìa.

Có lẽ đến đây đã hết thứ để nói về Linux rồi. Linux vẫn đã đang và sẽ tiếp tục trưởng thành hơn, nhất là mảng server. Năm 2015, Linux và các hệ điều hành giống Linux đang chiếm khoảng 67,8% thị phần server website public, còn Windows chỉ chiếm 32.3% mà thôi (số liệu của W3Techs). Ở mảng PC thì Linux vẫn còn thua khá xa Windows và Mac. Chúng ta hãy cùng chờ xem Linux sẽ có những bước tiến mới nào trong tương lai nhé.
Nguồn: tinhte.vn
Share on Google Plus

Tác giả: Dưa Bở

Viết lách là thú vui những lúc nhàn rỗi, cũng là cách hoàn thiện bản thân.

9 nhận xét: